Sách Công vụ Tông đồ
Sách Công vụ Tông đồ

Sách Công vụ Tông đồ

Công vụ Tông đồ (theo cách gọi của Công giáo) hoặc Công vụ các Sứ đồ (theo cách gọi của Tin lành) là một trong các sách trong Thánk Kinh của Kitô giáo.Những câu đầu trong sách Công vụ đề cập đến "sách thứ nhất" của tác giả, thường được cho là sách Phúc Âm Lu-ca. Các tác phẩm cổ được chia thành "sách" cũng như thành "chương", và rất có thể "sách" và "chương" này có nghĩa là một tác phẩm gồm có hai phần. Sách Công vụ và Phúc Âm Lu-ca tạo nên một tác phẩm, có thể được tạm gọi là tác phẩm "Lu-ca - Công vụ", của cùng một tác giả ẩn danh, được cho là đã xuất hiện vào khoảng 80–90 Công nguyên, mặc dù một số nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng tác phẩm xuất hiện trễ hơn vào 90–110 Công nguyên. Phần đầu tiên, Phúc Âm Lu-ca, kể về việc Thiên Chúa đã hoàn thành kế hoạch cứu rỗi thế giới của Ngài qua cuộc đời, sự hy sinh và phục sinh của Chúa Giê-su người Nazareth, tức là Đấng Cứu Thế đã được hứa cho người Do Thái từ xa xưa. Phần thứ hai, Công vụ, tiếp tục câu chuyện của Kitô giáo trong thế kỷ đầu tiên và sự lan rộng trong Đế quốc La Mã khi đó[1], bắt đầu với sự thăng thiên của Chúa Giê-su. Các chương đầu, lấy bối cảnh ở Jerusalem, mô tả Ngày Lễ Ngũ Tuần (sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần) và sự phát triển của hội thánh ở Jerusalem. Ban đầu, người Do Thái tiếp thu thông điệp của Kitô giáo, nhưng sau đó họ quay lưng lại với những người theo Chúa Giê-su. Bị người Do Thái từ bỏ, tin mừng được mang đến cho dân ngoại dưới sự hướng dẫn của Thánh Phê-rô. Các chương tiếp theo kể về sự cải đạo của Thánh Phao-lô, sứ mệnh của ông ở Tiểu Á và Aegean, và cuối cùng là bị giam cầm ở Roma, nơi mà sách này kết thúc, khi ông đang chờ xét xử.Tác phẩm "Lu-ca - Công vụ" là một nỗ lực để giải đáp một vấn đề thần học là làm thế nào Đấng Cứu Thế của người Do Thái lại có một tôn giáo mà phần lớn lại không phải là người Do Thái; câu trả lời mà tác phẩm này đưa ra là thông điệp của Đấng Cứu Thế đã được mang đến cho dân ngoại bởi vì người Do Thái đã từ chối nó.[2] Tác phẩm "Lu-ca - Công vụ" cũng có thể được xem là lời biện hộ cho phong trào Chúa Giê-su với người Do Thái: phần lớn các tuyên bố và bài giảng trong sách Công vụ được gửi đến đối tượng người nghe là người Do Thái, với những người La Mã đóng vai trò người ngoài cuộc làm trọng tài cho các tranh chấp liên quan đến phong tục và luật lệ của người Do Thái.[3] Một mặt, Lu-ca miêu tả những người theo Chúa Giê-su như là một giáo phái của người Do Thái, và do đó được quyền bảo vệ pháp lý thời đó như một tôn giáo được công nhận; mặt khác, Lu-ca dường như không chắc chắn về tương lai mà Thiên Chúa dành cho người Do Thái và Kitô hữu, do đó ông làm nổi bật tính chất Do Thái của Chúa Giê-su và các môn đồ của Ngài khi ấy, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh việc người Do Thái đã từ chối Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa sai đến như thế nào.[4]